Blockchain 101 - Layer1, Layer2 và Layer3
Công nghệ blockchain là công nghệ mới nhất và là một trong những phát minh nổi bật nhất của thời hiện đại. Với sự phát triển của các giải pháp Web3 nhằm tạo ra một mạng internet phi tập trung, triết lý này phù hợp với blockchain. Đây vẫn là một công nghệ mới chưa hoàn thiện. Tính phi tập trung, khả năng mở rộng và bảo mật là ba mục tiêu chính của bất kỳ mạng blockchain nào.
Bitcoin ban đầu được tạo ra như một blockchain có khả năng xử lý mọi yêu cầu giao dịch của người dùng bằng kiến trúc cơ bản của mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi người đã nhận thấy rằng mạng cơ bản này có tốc độ chậm và không hiệu quả đối với các giải pháp kỹ thuật số hiện đại.
Đây là thời điểm các lớp khác được thêm vào để hỗ trợ hoạt động hiệu quả hơn, lần lượt là Layer 1, 2 và 3.
Layer 1
Blockchain Layer 1 đề cập đến nền tảng của lớp cơ sở với các thành phần chính và bộ chức năng của nó. Ví dụ: đối với Bitcoin, điều này bao gồm sổ cái thực tế của các giao dịch, node mạng và cơ chế xác minh được gọi là Bằng chứng Công việc (PoW). Bitcoin Layer 1 là mạng BTC thực khi được ra mắt lần đầu vào năm 2009.
Mặc dù mang tính đột phá nhưng lại không hoàn hảo. Khi mạng phát triển, tốc độ xử lý giao dịch giảm xuống và chi phí giao dịch tăng lên, gây khó khăn đối với việc mở rộng quy mô. Ngoài ra, cơ chế đồng thuận (PoW) lại tiêu tốn nhiều năng lượng.
Layer 2
Layer 2 là một giải pháp kỹ thuật được xây dựng dựa trên cơ sở hạ tầng Layer 1 hiện tại để giải quyết các vấn đề mà blockchain Layer 1 gặp phải. Chức năng bổ sung được thêm vào thông qua lớp này để tăng tốc độ xử lý và giảm chi phí giao dịch. Nhiều giải pháp Lay 2 đạt được hiệu quả kỹ thuật bằng cách xử lý số lượng lớn các giao dịch ngoài chuỗi ban đầu, sau đó chuyển các giao dịch đã hoàn tất trở lại Layer 1 theo chế độ hàng loạt. Cách thức khác nhau tùy theo mỗi blockchain. Những loại phổ biến nhất là State Channel, Sidechain và Rollup.
State Channel (kênh trạng thái)
Kênh trạng thái có thể được xem như một kênh riêng biệt trên mạng giữa 2 người dùng. Trong kênh này, người dùng có thể thực hiện các giao dịch nhỏ với nhau. Sau đó, trạng thái của giao dịch sẽ được thêm vào blockchain. Điều này giúp tăng tốc độ của giao dịch khi không yêu cầu mạng chính phải tham gia. Ví dụ kênh trạng thái: mạng Lightning của Bitcoin và mạng Raiden của Ethereum .
Sidechain
Các giao dịch sidechain diễn ra bên ngoài chuỗi chính nhưng được ghi lại một cách công khai, không riêng tư như các kênh trạng thái. Sidechain có người giám sát riêng và chịu trách nhiệm về bảo mật của mình. Sidechain ít tập trung hơn, có cơ chế đồng thuận riêng và giúp tăng tốc độ giao dịch bằng cách giảm bớt một số khối lượng công việc cho chuỗi chính. Ví dụ về Sidechain: mạng Liquid của Bitcoin và mạng Plasma của Ethereum.
Rollup
Rollup di chuyển các phép tính ra khỏi chuỗi, nhưng vẫn giữ nguyên dữ liệu thực tế trên blockchain Layer 1. Có hai loại Rollup. Optimistic Rollup và ZK Rollup. Theo mặc định, Optimistic Rollup giả định rằng tất cả các giao dịch đều hợp lệ và chỉ thực hiện tính toán khi nghi ngờ có gian lận. Trong khi đối với ZK Rollup, việc tính toán được thực hiện và bằng chứng về tính hợp lệ được gửi đến chuỗi Layer 1. Một ví dụ về rollup là Polygon .
Layer 3
Layer 3 được gọi là lớp ứng dụng. Đây là lớp cung cấp thêm tiện tích, như khả năng xây dựng các ứng dụng (DApp) trên blockchain. Lớp ứng dụng có thể bao gồm API, giao diện người dùng và hợp đồng thông minh. Các công cụ, bảo mật và tốc độ khởi chạy dự án là lý do khiến Ethereum trở thành dự án tiền điện tử hàng đầu và tiếp tục thống trị không gian phát triển DApp. Ví dụ về DApp Layer 3 trên Ethereum: Yearn Finance và Uniswap.